PV: Nhìn lại toàn cảnh bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024, đâu là điều ông ấn tượng? Ông Nguyễn Quang Thuân:Trong bối cảnh nhiều thách thức nội tại của nền kinh tế và môi trường bên ngoài không thuận lợi, kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao. Năm 2024, tôi cũng ấn tượng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối FDI, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng mạnh với giá trị xuất siêu cao chưa từng có. Thu hút FDI tăng trưởng ấn tượng cả về vốn đăng ký và vốn thực hiện, đặc biệt câu chuyển dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc và Singapore. Cùng với đó, thu ngân sách nhà nước tiếp đà tăng trưởng ấn tượng. Lạm phát được kiểm soát tốt trước tác động từ thiên tai, biến đổi khí hậu và các cú sốc từ bên ngoài do bất ổn địa chính trị và gần 80 cuộc bầu cử trên toàn thế giới, trong đó có các cường quốc như Hoa Kỳ. Ngoài ra, các dự án trọng điểm quốc gia như: đường dây 500kV mạch 3, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến cao tốc được triển khai quyết liệt. PV: Theo ông, việc điều hành chính sách tiền tệ năm vừa qua có những điểm nhấn nào giúp tạo đà hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát? Ông Nguyễn Quang Thuân:Về chính sách tiền tệ, Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, giúp giảm chi phí vốn cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Chính sách tiền tệ thực hiện tốt vai trò ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nỗ lực ổn định tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng giao chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm cho các ngân hàng thương mại và cho phép các ngân hàng tự điều chỉnh room tín dụng dựa trên xếp hạng tín nhiệm của NHNN quy định.
Cùng với đó, ngành ngân hàng tái cơ cấu kỳ hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp tại 26 tỉnh, thành chịu ảnh hưởng bởi bão lũ. NHNN cũng gia hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31/12/2024, thay vì kết thúc vào ngày 30/6/2024 theo Thông tư 06/2024/TT-NHNN ngày 18/6/2024 (Thông tư 06). PV: Kinh tế Việt Nam có nền tảng tốt để bước vào năm mới 2025 nhưng phía trước còn nhiều khó khăn, theo ông, đâu là những vấn đề tồn tại chúng ta phải lưu ý? Ông Nguyễn Quang Thuân: Trong nội tại nền kinh tế Việt Nam, năm 2024 có lẽ là một năm đầu tư khối tư tư nhân chưa hồi phục; cầu tiêu dùng trong nước vẫn còn yếu, do phần lớn tích lũy của người dân đã sử dụng trong thời gian giãn cách xã hội vì đại dịch, thu nhập của một bộ phận người lao động không theo kịp tốc độ tăng giá cả tiêu dùng. Tỷ lệ tiết kiệm trong dân cư có xu hướng gia tăng, thể hiện qua tiền gửi cá nhân trong hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng trong đó để tích lũy mua nhà ở. Hiện giá cả bất động sản tiếp tục tăng nhanh, tương đương 35 năm thu nhập bình quân của hộ gia đình, ở mức rất cao so với nhiều quốc gia. Ngoài ra, nhu cầu đầu tư vào các thị trường tài sản như vàng, tài sản số tiếp tục tăng mạnh... PV:Trong bối cảnh đó, theo ông, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động hệ thống ngân hàng gặp phải những thử thách gì năm 2025, đặc biệt khi vẫn còn nhiều ẩn số từ "chính quyền Trump 2.0"? Ông Nguyễn Quang Thuân: Trong năm 2025, việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả và phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, tôi cho rằng áp lực về tỷ giá và lãi suất vẫn còn lớn trong ngắn hạn, ít nhất là nửa đầu 2025, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có quan điểm khá thận trọng với lạm phát và đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% từ năm 2024. Áp lực tỷ giá tiếp tục gia tăng cùng nhu cầu gia tăng đầu tư vào vàng và các tài sản số. Việc tác động từ "chính sách Trump 2.0" cũng cần nhìn nhận rõ hơn. Về cơ bản, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ chuyển dịch dòng vốn FDI và nhu cầu hàng hóa nhập khẩu do chính sách tăng mạnh thuế nhập khẩu hàng hóa từ các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ như: Trung Quốc, Mexico, Canada. Các ngành Việt Nam có lợi thế tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào như: thủy sản, khoáng sản, gỗ, lâm sản... sẽ hưởng lợi lớn hơn, vì có thể rẻ tương đối so với nhóm hàng từ Trung Quốc. Hơn nữa, rủi ro bị Mỹ áp thuế quan vì lý do nguồn gốc hoặc “dán nhãn” cho hàng xuất xứ hoặc có tỷ lệ đầu vào từ Trung Quốc sẽ thấp hơn các ngành khác. Về việc dịch chuyển dòng vốn FDI, xu hướng này diễn ra mạnh mẽ 5 năm qua và từ nhiệm kỳ trước của ông Trump khi vốn FDI dịch chuyển từ các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam diễn ra rất mạnh. Tôi tin rằng xu hướng này sẽ còn diễn ra mạnh hơn năm 2025 và các năm tới đây. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam phần lớn tập trung vào các ngành có hàm lượng công nghệ thấp và rủi ro ảnh hưởng môi trường cao. PV: Xin cảm ơn ông!
|